Quá trình thành lập
Phòng Giáo dục được thành lập từ sau 30/4/1975 là một bộ phận của UBND Cách mạng quận Tân Bình đến ngày 10/4/1979 Phòng Giáo dục quận được hợp nhất với phòng Bảo vệ Bà mẹ Trẻ em thành Ban Giáo dục Nhà trẻ quận.
Đến năm 1995 được đổi tên là Phòng Giáo dục quận Tân Bình theo QĐ số 05/QĐ-UB ngày 20/03/1995 của UBND quận Tân Bình.
Năm 1995 Phòng Giáo dục đổi tên thành Phòng Giáo dục Đào tạo quận Tân Bình theo Quyết định số 14/QĐ-UB ngày 14/5/1995.
Năm 2003: Thực hiện chia tách quận, Phòng Giáo dục được chia tách thành 02 cơ quan là Phòng Giáo dục quận Tân Bình và Phòng Giáo dục quận Tân Phú.
Năm 2006: Phòng Giáo dục hoạt động theo QĐ số 06/2006/QĐ – UBND ngày 05/4/2006 của UBND quận Tân Bình.
Năm 2008: Phòng Giáo dục đổi tên thành Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình theo quyết định số 16/2008/QĐ-UBND ngày 16 tháng 6 năm 2008 của Ủy ban nhân dân quận Tân Bình về thành lập Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình;
- Cơ cấu tổ chức: gồm có
+ 01 Trưởng phòng
+ 02 Phó Trưởng phòng
+ Các chuyên viên
- Cơ sở vật chất:
Trụ sở tọa lạc tại địa chỉ 97 đường Trường Chinh, phường 12, quận Tân Bình, Tp Hồ Chí Minh. Có 5 phòng làm việc, 01 thư viện, 02 hội trường, sân chơi… và đầy đủ các phương tiện thiết bị, tạo điều kiện thuận lợi cho CB,CC công tác và phục vụ cho các hoạt động của ngành giáo dục.
Chức năng nhiệm vụ được giao:
Được Quy định tại Nghị định 127/NĐ-CP ngày 21/9/2018 của Chính phủ, cụ thể tại Điều 13:
Điều 13. Trách nhiệm của Phòng Giáo dục và Đào tạo
1. Tham mưu Ủy ban nhân dân cấp huyện trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn phù hợp với chiến lược phát triển giáo dục của tỉnh và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
2. Trình Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định:
a) Quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng Giáo dục và Đào tạo theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
b) Phân cấp, ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp xã, Phòng Giáo dục và Đào tạo thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước về giáo dục của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
3. Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định:
a) Thành lập hoặc cho phép thành lập, thu hồi quyết định thành lập, quyết định cho phép thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể, đổi tên, chuyển đổi loại hình đối với các cơ sở giáo dục quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định này theo quy định của pháp luật;
b) Thành lập hội đồng trường, công nhận, bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch hội đồng trường, bổ sung, thay thế thành viên Hội đồng trường các cơ sở giáo dục công lập; công nhận, không công nhận hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng quản trị, phó chủ tịch hội đồng quản trị, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục thuộc quyền quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp huyện theo tiêu chuẩn chức danh và thủ tục do pháp luật quy định;
c) Khen thưởng hoặc trình cấp có thẩm quyền khen thưởng các tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích trong hoạt động giáo dục tại địa phương;
d) Các nội dung quản lý nhà nước khác trong lĩnh vực giáo dục thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
4. Hướng dẫn, tổ chức thực hiện, kiểm tra việc chấp hành quy chế chuyên môn nghiệp vụ; công tác bảo đảm chất lượng giáo dục; công tác tuyển sinh, thi, cấp văn bằng, chứng chỉ; công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, xây dựng trường chuẩn quốc gia và xây dựng xã hội học tập trên địa bàn. Chịu trách nhiệm giải trình về hoạt động giáo dục, chất lượng giáo dục, quản lý nhà giáo và người học, thực hiện chính sách phát triển giáo dục thuộc phạm vi quản lý trước Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Sở Giáo dục và Đào tạo và toàn xã hội.
5. Quyết định cho phép hoạt động giáo dục hoặc đình chỉ hoạt động giáo dục đối với trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện không có cấp trung học phổ thông và các cơ sở giáo dục quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định này.
6. Xây dựng kế hoạch; phối hợp với Phòng Nội vụ thực hiện quy trình, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định tuyển dụng viên chức giáo dục; phân bổ số lượng người làm việc theo vị trí việc làm; công nhận, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, thay đổi vị trí việc làm, khen thưởng, kỷ luật đối với người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu các cơ sở giáo dục công lập quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định này và trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện không có cấp trung học phổ thông theo quy định của ủy ban nhân dân cấp huyện.
7. Chủ trì xây dựng kế hoạch hằng năm về số lượng người làm việc của Phòng Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở giáo dục công lập do Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Hướng dẫn tổ chức thực hiện và kiểm tra việc sử dụng, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện chính sách đối với công chức, viên chức và người lao động tại các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định.
8. Xây dựng dự toán, gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt phương án phân bổ, giao dự toán ngân sách cho các cơ sở giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân cấp huyện; phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch hướng dẫn, kiểm tra việc cấp, sử dụng ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính hợp pháp khác đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện theo quy định.
9. Thực hiện kiểm tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
10. Hướng dẫn quản lý nhà nước về giáo dục cho Ủy ban nhân dân cấp xã.
11. Thực hiện công tác thống kê, thông tin, báo cáo theo định kỳ và đột xuất về lĩnh vực giáo dục thuộc phạm vi quản lý với Ủy ban nhân dân cấp huyện và Sở Giáo dục và Đào tạo theo quy định.
12. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật./.